Đối với tôm, người tiêu dùng thường quan tâm đến các vấn đề như: Tôm có bơm tạp chất hay không, phân biệt tôm đồng và tôm biển hay phân biệt giữa tôm biển tự nhiên và tôm biển nuôi.
Các cơ sở thương lái thường bơm tạp chất vào tôm để tôm nặng cân và có màu sắc tươi hơn. Ăn phải những loại tôm này, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Để nhận biết tôm tiêm tạp chất thì người dùng nên quan sát phần lưng tôm. Nó sẽ bị phì và múp míp một cách bất thường do bơm căng quá đà, đến nỗi các đốt trên lưng tôm giãn ra, con tôm thường thẳng đơ chứ không cong một cách tự nhiên như tôm thường. Phần vỏ đầu của tôm bơm tạp chất dễ tách rời phần thân.
Tôm tươi ngon tự nhiên sẽ có phần đuôi cụp nhưng nếu bơm hóa chất thì phần đuôi tôm xòe ra như cánh quạt.
Nếu là tôm ngậm ure hay hóa chất thì thường bị trương phềnh bụng và lưng, có nước rỉ ra từ các đốt. Nhìn bằng mắt sẽ thấy màu sắc của nó nhợt nhạt, thân tôm màu sắc không đồng nhất.
Nếu chẳng may mua phải tôm ngậm hóa chất khi nấu sẽ dễ dàng ngửi thấy tôm có mùi lạ, thịt bị teo lại và ăn có vị nhạt. Nếu là tôm bơm tạp chất là thạch khi nấu chín sẽ thấy lớp rau câu nằm ở các rãnh, dưới mang.
Do đặc điểm sinh sản nên chỉ có tôm biển tự nhiên mới có trứng. Tôm biển nuôi không bao giờ có trứng.
Tôm biển tự nhiên thường có vỏ dày hơn, chân và râu sắc hơn, màu sắc đa dạng và sắc nét hơn. Trong một mẻ tôm biển tự nhiên thường sẽ có nhiều màu sắc khác nhau trong khi tôm biển nuôi sẽ có màu sắc gần như giống hệt nhau.
Còn cách phân biệt tôm đồng và tôm biển thì dễ dàng hơn nhiều. Chị em nội trợ hãy quan sát lưng và bụng tôm. Vào mùa sinh sản, nếu tôm có dải trứng màu xanh chạy ở trên đầu, dọc theo sống lưng thì đó là tôm biển. Đối với tôm sông chỉ có trứng ở dưới phần bụng.
Trứng tôm biển khi nấu chín nhìn giống gạch cua. Tuy nhiên, do không biết nên nhiều người tưởng dài trứng màu xanh trên lưng tôm là đường ruột tôm và thường rỉ tai nhau phải tách bỏ trước khi chế biến.